Ảnh hưởng trong Chiến tranh thế giới thứ hai Chiến_tranh_Hy_Lạp-Ý

Mặc dù chiến thắng cuối cùng trong chiến dịch Hy Lạp là thuộc về phe Trục, sự kháng cự của người Hy Lạp trước cuộc xâm lăng của Ý, theo nhiều sử gia, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến diễn tiến của Chiến tranh thế giới thứ hai. Cụ thể, nó được cho là nguyên nhân khiến quân Đức cần phải can thiệp tại Balkan và làm trì hoãn chiến dịch Barbarossa, đồng thời gây ra nhiều thiệt hại, nhất là về máy bay và lính dù Đức trong cuộc tấn công đảo Crete, cũng làm ảnh hưởng đến kết cục của chiến dịch này. Adolf Hitler, trong một cuộc nói chuyện với Leni Riefenstahl, đã cay đắng nói rằng "nếu người Ý không tấn công Hy Lạp và cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi, thì chiến tranh đã diễn ra theo một diễn biến khác. Chúng tôi có thể đến trước cái lạnh của nước Nga nhiều tuần lễ và chinh phục được Leningrad và Moscow. Sẽ không có Stalingrad".[10] Hơn nữa, sự cần thiết chiếm đóng quốc gia này, đàn áp quân du kích và phòng ngừa các hoạt động của Đồng Minh tại đây đã trói chân nhiều sư đoàn Đức và Ý trong suốt cuộc chiến. Tuy nhiên, một số sử gia nổi tiếng như Antony Beevor lập luận rằng không phải cuộc chiến đấu của người Hy Lạp làm chậm cuộc tấn công Liên Xô của phe phát xít, mà là việc chậm xây dựng các sân bay tại miền đông châu Âu.[48]

Đối với Mussolini, thất bại của quân đội Ý trong việc chinh phục Hy Lạp mà không có sự hỗ trợ từ phía Đức đã gây tổn hại đến uy tín của ông ta cả ở trong nước và quốc tế. Thay vì khẳng định sự độc lập của nước Ý như ông ta hy vọng, Mussolini lại thấy mình mắc nợ Hitler nhiều hơn trước. Suốt thời gian còn lại của chiến tranh Mussolini không bao giờ được ở lại vào thế có thể hành động đơn phương theo ý mình như ông ta đã làm trong cuộc chiến với Hy Lạp.

Tuy nhiên, đồng thời, lực lượng kháng chiến Hy Lạp rốt cục cũng phải cần đến sự giúp đỡ của Đồng Minh. Quyết định điều quân Anh đến Hy Lạp chủ yếu được thúc đẩy bởi những lý do chính trị, và sau này được xem như, theo lời của tướng Alan Brooke, "một sai lầm chiến lược hoàn toàn", vì nó đã dẫn đến việc chuyển các lực lượng từ Trung Đông, trong một giai đoạn hết sức nguy cấp, tới Hy Lạp. Theo dòng diễn biến các sự kiện, những lực lượng này đã tỏ ra là không đủ để đối phó với cuộc tấn công của Đức tại Hy Lạp, nhưng lại có thể đóng một vai trò quyết định tại Mặt trận Bắc Phi, giúp đem lại một kết cục thắng lợi sớm hơn rất nhiều so với thực tế.

Hitler gọi điện cho Mussolini:
"Benito ông vẫn chưa ở Athens à?"
"Tôi không nghe thấy ông nói gì cả Adolf."
"Tôi nói ông vẫn chưa ở Athens à?"
"Tôi không thể nghe thấy ông nói. Ông phải gọi từ một khoảng cách xa hơn nữa, có thể là từ London."
Câu truyện cười lưu hành tại nước Pháp bị chiếm đóng, mùa đông 1940-1941[49]

Cũng quan trọng không kém, trong thời điểm khi mà chỉ có Đế quốc Anh đang chống lại phe Trục, là tấm gương tinh thần của một quốc gia nhỏ bé đã đánh bại được phát xít Ý, phản ánh trong những sự ca ngợi nồng nhiệt về cuộc đấu tranh của người Hy Lạp lúc đó, trong đó nổi bật nhất là đánh giá của Winston Churchill:

Kể từ đây chúng ta sẽ không nói rằng người Hy Lạp chiến đấu như những anh hùng, mà là những người anh hùng chiến đấu giống như người Hy Lạp.
— [50][51]

Tướng Pháp Charles de Gaulle cũng đã khen ngợi cuộc kháng cự mãnh liệt của Hy Lạp. Trong một thông báo chính thức được đưa ra trùng với lễ kỷ niệm ngày Độc lập của Hy Lạp (25 tháng 3), De Gaulle đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với cuộc kháng chiến anh hùng của Hy Lạp:

Nhân danh người dân Pháp tuy đã bị chiếm đóng nhưng vẫn còn tồn tại, nước Pháp muốn gửi lời chào của mình đến người Hy Lạp, những người đang đấu tranh cho tự do của mình. Ngày 25 tháng 3 năm 1941 cho thấy nước Hy Lạp trên đỉnh cao cuộc đấu tranh anh hùng của họ và trong tột đỉnh vinh quang. Kể từ sau trận Salamis, Hy Lạp vẫn chưa hề có được sự vĩ đại và vẻ vang mà hôm nay đang có.
— [52]

Việc Hy Lạp gia nhập phe Đồng Minh còn góp phần vào việc để họ sáp nhập quần đảo Dodecanese vốn cư dân là người Hy Lạp nhưng bị Ý chiếm đóng sau chiến tranh thế giới thứ hai, vào năm 1947.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Hy_Lạp-Ý http://www.comandosupremo.com/Greece1940.html http://www.comandosupremo.com/ItalianArmy3.html http://books.google.com/books?id=FNjxX7uZYQEC http://books.google.com/books?id=P-MiG9ngCp8C http://books.google.com/books?id=QOlmAAAAMAAJ&q= http://www.inilossum.com/2gue_HTML/2guerra1940-12A... http://metaxas-project.com/features/winterwar/ http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://pheidias.antibaro.gr/1940.htm http://books.google.gr/books?id=B0YC55a-GTEC